Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Giáo dục tốt từ gia đình mới ứng xử hay ngoài xã hội
VHO- Trong bối cảnh Hà Nội phát triển kinh tế, đan xen giữa cái mới và cái cũ, ảnh hưởng bởi làn sóng nhập cư từ các tỉnh, TP… việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn là vấn đề nóng, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo TP cũng như sự triển khai đồng bộ ở các địa phương.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Q.TẤN
Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, “chốn kinh sư muôn đời”, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, luôn là chốn cả nước hướng về: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”. Sự tin yêu đặc biệt đó mang đến niềm tự hào đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao với người Hà Nội hôm nay.
Còn nhiều điều cần làm sáng tỏ
Nhiều năm qua, Sở VHTT Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.
Tuy nhiên, sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” đã gây ra nhiều hệ lụy, vấn đề gia đình và con người Hà Nội đã và đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Nhằm làm rõ hơn những thách thức và giải pháp hiệu quả, ngày 23.10 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã phối hợp Sở VHTT Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn TP không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở, góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đặt vấn đề: Nhiều người nghi ngờ rằng, thanh lịch liệu có còn phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay không? Thậm chí, có người còn bày tỏ sự không đồng tình với câu ca dao xưa: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” khi trong cuộc sống còn tồn tại những hành vi phản văn hóa như “giẫm cỏ, bẻ cây, vứt rác, tiểu đường bừa bãi”. Nhiều người đổ lỗi cho tình trạng nhập cư, “người Hà Nội gốc” không như thế! Có ý kiến nói ngược lại, “người Hà Nội gốc” trong phố cổ cũng “bún mắng, cháo chửi” đanh đá không kém. Vậy câu hỏi về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn nhiều điều cần làm sáng tỏ, đặc biệt là làm thế nào để công việc này có hiệu quả? Có nên đặt vấn đề phân biệt “người Hà Nội gốc” và “người Hà Nội nhập cư” làm mất đi truyền thống hội tụ, tinh thần đoàn kết của người Tràng An từ ngàn đời nay?!
Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, vấn đề gia đình cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trước những thay đổi về cách thức tổ chức đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng trong điều kiện mới. Mô hình gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” có còn được đề cao hay còn phù hợp không? Ngay cả đối với gia đình hạt nhân hiện đại, khi khó có thể tổ chức thường xuyên bữa ăn gia đình thì sự gắn kết có bị ảnh hưởng? Tình cảm vợ chồng, cha con, mẹ con thể hiện như thế nào để tổ ấm bền chặt và hạnh phúc…
Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho việc xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh Ảnh: INTERNET
Có con người văn hóa thì sẽ có gia đình văn hóa
Hội nghị tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn TP không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở.
Hai Bà Trưng là một trong 4 quận nội đô trước khi Hà Nội mở rộng và hiện cũng chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển kinh tế, đô thị, gia tăng dân số. Tuy nhiên, lãnh đạo quận khẳng định: Thủ đô Hà Nội dù được hình thành và phát triển trong lòng một đô thị sôi động, nhộn nhịp nhưng giá trị gia đình của người Hà Nội chưa bao giờ phai mờ, thậm chí ngày càng được gắn kết, bền chặt. Dù rằng, mỗi thế hệ mỗi suy nghĩ, mỗi nếp sống, cách sinh hoạt, giờ giấc, thói quen, tư duy khác nhau, nhưng từng cá nhân biết dung hòa, điều chỉnh để “xung đột thế hệ” ít xảy ra. Trong công cuộc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh và đặc biệt là việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của TP, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Một số hành vi lệch chuẩn của một bộ phận người Hà Nội bị báo chí, truyền thông và dư luận lên án đã từng bước được chấn chỉnh, để trả lại một hệ thống xuyên suốt lối ứng xử văn minh, thanh lịch vốn có. “Có thể nói, văn hóa gia đình và văn hóa con người Hà Nội hòa quyện vào nhau làm thành những giá trị vững bền không thể phá vỡ, như mối quan hệ cần và đủ. Có con người văn hóa thì sẽ có gia đình văn hóa và ngược lại, có gia đình văn hóa sẽ tạo nên những cá nhân, những con người văn hóa”, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhằm phát huy hiệu quả của quy ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, công tác triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy ước ở các khu dân cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm triển khai nghiêm túc. Hằng năm, quận thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với Quy ước tổ dân phố có các nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời triển khai việc xây dựng Quy ước đối với 18 tổ dân phố mới được thành lập năm 2021 thuộc 3 phường Cổ Nhuế 1, Phú Diễn và Xuân Tảo. Các Quy ước tổ dân phố được thực hiện nghiêm túc, có tính tự giác cao, được phổ biến công khai trong các cuộc họp, sinh hoạt tổ dân phố. Các tổ dân phố đều đưa nội dung thực hiện Quy ước vào tiêu chí bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” và tổ dân phố văn hóa. Qua đó, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, giúp đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa…
Tại huyện Ba Vì, những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở. Đã huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được UB MTTQ Việt Nam huyện triển khai thông qua tại Hội nghị đại biểu Nhân dân tại 31 xã, thị trấn. Các chuẩn mực về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thực hiện trong các cơ quan, đơn vị, trường học từ huyện đến các xã, thị trấn. Các tiêu chí văn hóa thể hiện từ nhận thức, hành vi, ứng xử, phong cách giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng, khi tham gia giao thông, trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động…
Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai đến 100% các trường học thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh người Hà Nội”. Chỉ đạo các trường tổ chức giảng dạy một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt lồng ghép trong các hoạt động giáo dục. Thực tế cho thấy, học sinh có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống, ứng xử, giao tiếp trong nhà trường và tại gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.
Các đại biểu tại Hội nghị đều thống nhất rằng, xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy ấy, người Hà Nội cần biết “gạn đục khơi trong”, dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người Tràng An.
Văn hóa trong xã hội có nguồn gốc từ gia đình, vì thế hơn bao giờ hết, cần đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia đình. Mọi công dân được giáo dục tốt từ gia đình, thì mới có thể ứng xử hay ngoài xã hội. Điều này cũng phải được thực hiện ngay từ môi trường học đường để những ứng xử văn minh, hành động đẹp thấm sâu trong nhận thức của mỗi cá nhân. Đây chính là yếu tố quan trọng, góp phần phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững.
QUỲNH HOA